Tủ điện là một phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống điện công nghiệp và cũng xuất hiện nhiều trong hệ thống điện dân dụng. Đây là nơi lắp đặt và bảo vệ các thiết bị điện có nhiệm vụ giám sát, điều khiển, phân phối điện hay đóng ngắt, đảm bảo an toàn cho phụ tải và người vận hành.
Hiện nay, có rất nhiều loại tủ điện phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như vận hành, xử lý sự cố hay điều chỉnh công suất điện. BTB Electric sẽ cùng bạn tìm hiểu về tủ điện và ứng dụng trong thực tiễn.
Tủ điện là gì?
Tủ điện (Electrical cabinet) là loại tủ chứa các thiết bị điện và linh kiện như nút nhấn, đèn báo, đồng hồ đo, công tắc,… thành một tổ hợp với chức năng chuyên biệt. Tủ có hình dạng khối hộp vuông hoặc chữ nhật, làm từ thép hoặc tôn sơn chống rỉ và cách điện. Tủ điện có mặt trong nhiều công trình từ nhà dân cho đến tòa nhà lớn hay nhà máy công nghiệp. Tùy theo điện áp hoạt động, tủ điện được chia thành tủ điện dân dụng và tủ điện công nghiệp.
Tủ điện dân dụng thường là loại tủ nhỏ, chứa các thiết bị vận hành điện cơ bản như aptomat, cầu chì, công tắc, đèn báo,… Trong nhà ở, thường chỉ có 1 – 3 tủ điện làm tủ tổng hoặc tủ điều khiển chiếu sáng.
Tủ điện công nghiệp có độ bền cao, ổn định và chính xác hơn tủ điện dân dụng. Ngoài các thiết bị cơ bản, tủ điện công nghiệp còn chứa các thiết bị như tụ bù, contactor, cuộn kháng, bộ chuyển mạch ATS, rơ le,… nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối và điều khiển điện quy mô lớn hơn.
Những thiết bị xuất hiện trong tủ điện
Aptomat – CB: Thiết bị đóng cắt bảo vệ phụ tải khi có sự cố quá tải, ngắn mạch, rò điện,… bao gồm MCB, MCCB, RCBO, ACB,…
Contactor: Thiết bị tự động ngắt nguồn, điều khiển các thiết bị điện công nghiệp có công suất lớn.
Relay: Thiết bị đóng ngắt theo tiêu chí nhất định, bao gồm relay nhiệt, relay trung gian, relay điện tử,…
Nút nhấn: Đặt ở mặt ngoài tủ điện, dạng vật lý hoặc cảm ứng trong màn hình HMI.
Đèn báo: Thông báo tình trạng của tủ điện theo màu sắc, đặt phía mặt ngoài tủ dạng vật lý hoặc trong màn hình điều khiển.
Nút dừng khẩn cấp: Ngắt tức thì toàn bộ mạch điện khi gặp sự cố.
Thiết bị, linh kiện bổ trợ: Đồng hồ đo, màn hình, dây điện, thanh cái, lưới lọc bụi, quạt tản nhiệt,…
Tùy theo tính chất của tủ điện mà bên trong có các thiết bị chuyên biệt: ví dụ, tủ tụ bù có tụ bù và cuộn kháng, tủ chuyển nguồn có bộ chuyển nguồn ATS,…
Ứng dụng của tủ điện
Tủ điện là thiết bị quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong cả hệ thống điện dân dụng và điện công nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất hoạt động khác nhau của hai mạng điện này, tủ điện được sử dụng cũng sẽ khác nhau tùy theo mục đích cụ thể.
Trong lĩnh vực điện công nghiệp, tủ điện được sử dụng để điều khiển máy móc và động cơ điện nhằm quản lý và bảo vệ hệ thống sản xuất. Tủ điện công nghiệp thường có thông số kỹ thuật lớn, độ bền cao và hiệu suất hoạt động tốt. Chúng thường được lắp đặt tại các nhà xưởng, nhà máy sản xuất, trung tâm vận hành, khu công nghiệp, tòa nhà, và trung tâm thương mại.
Hệ thống điện dân dụng sử dụng tủ điện chủ yếu cho hai mục đích: phân phối điện và chuyển nguồn điện. Tủ điện dân dụng có kích thước nhỏ gọn và công suất thấp hơn so với tủ điện công nghiệp. Các công trình dân dụng thường sử dụng tủ điện bao gồm nhà ở, văn phòng, chung cư, và nhiều loại công trình khác. Tủ điện dân dụng còn trực tiếp điều khiển các thiết bị điện như đài phun nước, máy bơm, quạt thông gió và quạt hút khói.
Comments